Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Luận về ngũ hành nạp âm, cách tìm bản mệnh

By Xuy Tuyet  |  Kinh Nghiệm Tử Vi

1. Ngũ hành 
Theo triết học cổ Trung Hoa, vạn vật đều sinh từ năm nguyên tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Kim ứng với màu trắng
Mộc ứng với màu xanh
Thủy ứng với màu đen
Hỏa ứng với màu đỏ
Thổ ứng với màu vàng

Chúng không phải vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi mà là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Mỗi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của những yếu tố này không ít, để hiểu tại sao ta phải phân tích trên nhiều mặt. Chúng ta hãy coi nó như những mệnh đề được thừa nhận mang tính tương đối, cũng như việc tiền nhân đã nghiên cứu ra khoa Tử Vi ứng nghiệm đến 90% những gì xảy ra trong đời 1 con người.

Học thuyết ngũ hành diễn giải sự sinh hóa của vạn vật qua 2 nguyên lý cơ bản: Tương sinh và tương khắc.
Trong mối quan hệ tương sinh: Mộc sinh hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
Trong mối quan hệ tương khắc: Mộc khắc thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Một số học giả trong quá trình nghiên cứu lại bổ sung thêm mối quan hệ chế hóa, bổ - tả thực chất là suy diễn từ 2 nguyên lý cơ bản trên.



Theo tôi, sự tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh có mầm mống của tương khắc. Vạn vật luôn tồn tại và phát triển.

2. Ngũ hành nạp âm:
Ngũ Hành Nạp Âm Là Gì?
Tuổi Giáp Tý nếu tách rời can chi ra thì Giáp là Dương Mộc và Tý là Dương Thủy. Tuổi Ất Sửu tách rời can chi ra thì Ất là Âm Mộc còn Sửu là Âm Thổ. Gom hai tuổi Giáp Tý, Ất Sửu nạp Âm thành Hải Trung Kim. Vậy Hải Trung Kim là cái tên nạp âm cho tuổi Giáp Tý, Ất Sửu hay người ta còn gọi Hải Trung Kim là mệnh của những người sinh năm giáp Tý, Ất Sửu.
Một vòng từ Giáp Tý đến Quí Hợi có 60 năm. Mỗi 10 năm lại có một chữ Giáp đứng đầu. Ví dụ...Giáp Tí, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần gọi bằng Lục Thập Hoa Giáp chia làm 30 tổ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - mỗi 2 năm một tổ. Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ qua nạp âm để định từng tính chất khác nhau giữa các tuổi

Cách tính đơn giản để biết ngũ hành ứng với năm sinh. Tôi sẽ viết một cách đơn giản nhất để các bạn dễ hiểu.

2.1. Cách bấm trên bàn tay

Trước hết, các bạn cần phải thuộc quy ước sau




Thứ đến thuộc bốn câu thơ:
“Tý, Ngọ: Ngân - Đăng - Giá - Bích - Câu
Thìn,Tuất: Yên - Mãn - Tự - Chung - Lâu
Dần, Thân: Hán - Địa - Thiên - Sài - Thấp
Lục giáp luân lưu bất ngoại cầu”

 Với 4 câu trên, ta không cần để ý tới nghĩa của những từ thuần Hán (in nét đậm), bởi nghĩa của chúng không liên quan tới phương pháp tính. Điều cần chú ý ở đây là nhận rõ nét của từng con chữ để biết chúng thuộc bộ nào.


Ví dụ: Ngân bộ Kim, Đăng bộ Hỏa…

Tý, Ngọ: Ngân (Kim); Đăng (Hỏa); Giá (Mộc); Bích (Thổ); Câu (Kim)
Tuất, Thìn: Yên (Hỏa); Mãn (Thủy); Tự (Thổ); Chung (Kim); Lâu (Mộc)
Dần, Thân: Hán (Thủy); Địa (Thổ); Thiên (Hỏa); Sài (Mộc); Thấp (Thủy)


Nhận mặt chữ tìm ra ẩn ý, ví như Thiên là hỏa sẽ là 2 nạp âm Tích Lịch Hỏa và Thiên Thượng Hỏa (đều là Hỏa thuộc về trời). Như đây, ta hiểu được chủ ý của 4 câu thơ về cách tìm “Ngũ hành sở thuộc Lục thập hoa giáp”        
   

Sáu giáp, mỗi giáp 10 hoa. Lần lượt các giáp là Giáp Tý, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần. Trở lại Giáp Tý… tiếp nối vòng sau.

Muốn tìm hành của một Hoa Giáp, ta xem hoa giáp ấy khởi Giáp từ chi nào (thuộc vòng nào)
Ví dụ:

Bính Dần, Đinh Mão…Giáp khởi từ Tý -> Giáp Tý;
Canh Thân, Tân Dậu… Giáp khởi từ Dần -> Giáp Dần;.v..v..
Rồi bắt đầu từ cung khởi giáp, lần lượt  “đánh lên mỗi cặp”, 1 dương 1 âm, hai “Hoa” liền nhau, một chữ của câu tương ứng.

Như khởi đầu từ Tý (vòng Giáp Tý): Giáp Tý, Ất Sửu: chữ “Ngân” thuộc Kim;
Bính Dần, Đinh Mão: chữ “Đăng” thuộc Hỏa.
Mậu Thìn, Kỷ Tỵ: chữ “Giá” thuộc Mộc;
Canh Ngọ, Tân Mùi: chữ “Bích” thuộc Thổ;
Nhâm Thân, Quí Dậu: chữ “Câu” thuộc Kim;
Rồi tới: Giáp Tuất, Ất Hợi: chữ “Yên” thuộc Hỏa;
Bính Tý, Đinh Sửu: chữ “Mãn” thuộc Thủy; …Cứ thế mà suy


Ví dụ: muốn tìm năm Nhâm Tí thuộc mệnh gì, ta xem năm Nhâm Tý thuộc vòng nào bằng cách đặt ngón cái vào ô Tý trên tay, đọc ô đó là Giáp, đếm ngược chiều kim đồng hồ mỗi ô 1 chữ hàng can (Giáp, Ất, Bính). Đến Nhâm thì dừng lại ở ô Thìn. Vậy năm Nhâm Tý thuộc vòng Giáp Thìn. Ta đọc câu “Yên - Mãn - Tự - Chung – Lâu” cứ 1 chữ 2 ô, đếm theo chiều thuận đến ô Tý sẽ dừng lại ở chữ Lâu (Mộc). Vậy người sinh năm Nhâm Tý mệnh Mộc, cụ thể là Tang Đố Mộc (gỗ cây dâu).

2.2.    Cách quy ước.

Đặt hàng Can của năm như sau:

Giáp, Ất = 1

Bính, Đinh = 2

Mậu, Kỷ = 3

Canh, Tân= 4

Nhâm, Quý = 5

(Đây là gộp hai hàng Can liền nhau, đặt bằng 1 số)

Tiếp theo là chi của năm

Tý, Sửu, Ngọ, Mùi = 0
Dần, Mão, Thân, Dậu = 1
Thìn, Tị, Tuất, Hợi = 2
(Tổ hợp 2 cặp địa chi xung nhau Tý xung Ngọ, Sửu xung Mùi...)

Tôi đặt tiếp:

Kim = 1, Thủy = 2, Hỏa =3, Thổ = 4, Mộc = 5.

Sau đây là cách tính: 

Tìm ngũ hành nạp âm, hoặc mệnh của người sinh năm Mậu Ngọ, Ta có: Mậu = 3; Ngọ = 0. Lấy 3 + 0 = 3 được mệnh Hỏa
Tương tự: Người sinh năm Quý Hợi: Quý = 5, Hợi = 2; lấy 5 + 2 = 7; vì 7 lớn hơn 5 nên lấy 7 - 5 = 2 được mệnh Thủy.





(Các bạn cũng có thể tra trong bảng mà tôi đưa ra)




3. Chi tiết và sự sinh khắc:

- Hành Kim:

Kiếm, Sa Kim phong lưỡng ban kim

Mộc mệnh nhược phòng tức khắc hiềm

Ngoại hữu tứ Kim giải kỵ Hỏa

Kiếm sa vô Hỏa bất thành hình.
Giải thích : Đừng nghĩ Hỏa khắc Kim, nếu mệnh là Kiếm Phong Kim và Sa Trung Kim mà hợp cùng người mệnh Hỏa trong hôn nhân, lại tốt đẹp vô cùng.
Kiếm Phong Kim (vàng trong kiếm) và Sa Trung Kim (vàng trong cát), nếu không có lửa (Hỏa) thì không thành vật dụng. Nhưng cả hai khắc với Mộc (Kim khắc Mộc) vì hình kỵ, dù Mộc hao Kim lợi (Kim được khắc xuất, mất phần khắc) nhưng vẫn chịu thế tiền cát hậu hung (trước tốt sau xấu), do Kim chưa tinh chế nên không hại được Mộc vượng, không chém được cây lại thêm tổn hại.
4 hành Kim còn lại là Hải Trung Kim (vàng trong biển), Bạch Lạp Kim (vàng trong sáp), Thoa Xuyến Kim (vàng trang sức) và Kim Bạch Kim (kim loại màu) đều kỵ hành Hỏa.

- Hành Mộc:

Bình Địa Mộc trung chỉ nhất sinh

Bất phùng Kim giả bất năng thành

Ngũ ban biệt Mộc kỵ Kim loại

Nhược ngộ đương nhiên bất đắc sinh
Giải thích : Trong Lục Mộc chỉ có Bình Địa Mộc (cây trên đất) không sợ Kim (Kim khắc Mộc), mà còn cần hòa hợp mới thành vật hữu dụng (cưa, búa đẻo gọt cây thành vật để dùng như tủ, bàn, ghế).
Những loại Mộc còn lại như Tùng Bá Mộc (cây tùng già), Dương Liễu Mộc (cây dương liễu), Tang Đố Mộc (cây dâu tằm), Thạch Lựu Mộc (cây mọc trên đá) và Đại Lâm Mộc (cây trong rừng già) đều sợ Kim, nếu phối hợp sẽ tử biệt hay nghèo khổ suốt đời (Hưu Tù Tử). Những loại cây trong rừng (Đại Lâm, Tùng Bá), những cây sống chùm gửi (Thạch Lựu), cây còi (Dương Liễu) rất hay bị đốn chặt, khai quang.

- Hành Thuỷ:

Đại Hải Thủy, Thiên Hà Thủy lưu

Nhị ban bất dữ Thổ vi cửu

Ngoại giả đô lai toàn kỵ Thổ

Phùng chi y lộc tất nan cầu.
Giải thích : Đại Hải Thủy (nước biển), Thiên Hà Thủy (nước trên trời) không sợ gặp Thổ dù Thổ khắc Thủy (Thủy hao Thổ lợi) vì đất không ở biển lớn hay trên trời, cả hai phối hợp cùng Thổ càng mau thành công, nếu thành vợ chồng sẽ dễ hiển đạt đường công danh phú quý.
Còn Trường Lưu Thủy (sông dài), Giang Hà Thủy (sông cái), Tuyền Trung Thủy (nước suối) và Đại Khê Thủy (nước khe) đều kỵ Thổ, nước chỉ làm lợi cho đất, số sẽ vất vả, nghèo khó, vì nước mất mát cho đất thêm màu mở.

- Hành Hoả:

Phúc Đăng, Lư Trung dữ Sơn Đầu

Tam Hỏa nguyên lai phách Thủy lưu

Thiên Thượng, Tích , Sơn hạ Hỏa

Thủy trung nhất ngô cân vương hâu
Giải thích : Ba loại Phúc Đăng Hỏa (lửa đèn dầu), Lư Trung Hỏa (lửa bếp lò) và Sơn Đầu Hỏa (lửa trên núi) gặp hành Thủy sẽ khắc kỵ. Khi gặp nước ba thứ lửa trên sẽ bị dập tắt, đúng nghĩa Thủy khắc Hỏa, thuộc diện khắc nhập mất phần phúc.
Còn Thiên Thượng Hỏa (lửa trên trời) và Tích Lịch Hỏa (lửa sấm sét) lại cần phối hợp với hành Thủy, bởi có nước thì càng phát huy được tính chất, khí âm (thủy) gặp khí dương (hỏa) sẽ gây ra sấm sét.

- Hành Thổ:

Lộ Bàng, Đại Trạch, Sa Trung Thổ

Đắc Mộc như đạt thanh vân lộ

Ngoại hữu tam ban phách Mộc gia

Phùng chi tất mệnh tu nhập mộ.
Giải thích : Lộ Bàng Thổ (đất đường lộ), Đại Trạch Thổ (đất đầm lầy) và Sa Trung Thổ (đất bãi cát) không sợ Mộc, vì cây không sống giữa đường cái quan hay trên bãi cát, đầm lầy. Cả ba hành Thổ này nếu gặp Mộc không khắc dù Mộc khắc Thổ, Thổ hao Mộc lợi, trái lại còn có đường công danh, tài lộc thăng tiến không ngừng.
Thành Đầu Thổ (đất bờ thành), Bích Thượng Thổ (đất trên tường) và Ốc Thượng Thổ (đất nóc nhà) đều sợ Mộc, nhất là Tang Đố Mộc, Thạch Lựu Mộc, như thân tự chôn xuống mộ. 3 hành Thổ này tuy không sợ Bình Địa Mộc, Đại Lâm Mộc, Tùng Bá Mộc nhưng không bền vững vì hình kỵ

Xuy Tuyết, viết từ Bắc Ninh.

Email: tuvixuytuyet@gmail.com

Nội Dung Thuộc Về: Tử Vi Xuy Tuyết
Facebook: Xem Tử Vi
Điện Thoại: 0988605815
Email: tuvixuytuyet@gmail.com
Có Thể Bạn Quan Tâm:
Nhận luận giải tử vi chuyên sâu, tư vấn phong thủy, vui lòng liên hệ: Email: tuvixuytuyet@gmail.com Facebook: Xem Tử Vi