Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Các khái niệm cơ bản về vận và cách xem Đại vận

By Xuy Tuyet  |  Kinh Nghiệm Tử Vi

Phần 1: Các khái niệm cơ bản

1. Đại vận (đại hạn)

Thời gian cuộc đời chia ra từng khoảng 10 năm gọi là đại vận, ứng với từng cung trên lá số (khi xem phải kết hợp thêm cung xung chiếu và cung tam hợp). Để xác định đại vận trên một lá số, ta làm như sau:
- Ghi số cục tại cung an mệnh (ứng với tuổi khởi đầu đại hạn)
- Dương nam, âm nữ theo chiều thuận; âm nam,dương nữ theo chiều nghịch, lần lượt ghi số tiếp theo, từ cung này sang cung khác cộng thêm 10 (Cách ghi dựa theo thuyết âm dương trong kinh dịch)

2. Tiểu vận (tiểu hạn)

Tiểu vận là vận hạn trong 1 năm, mỗi năm ăn vào 1 cung chính và 3 cung chiếu. Cách tính tiểu vận như sau:
- Nếu năm sinh là Dần, Ngọ , Tuất thì đề tên năm sinh vào cung Thìn
- Nếu năm sinh là Thìn, Thân, Tý thì đề tên năm sinh vào cung Tuất
- Nếu năm sinh là Hợi, Mão, Mùi thì đề tên năm sinh vào cung Sửu
- Nếu năm sinh là Tỵ, Sửu, Dậu thì đề tên năm sinh vào cung Mùi

Rồi từ cung đề năm sinh, ghi các năm theo đúng hàng địa chi, mỗi cung 1 năm, nam theo chiều thuận, nữ theo chiều nghịch.

3. Lưu đại vận (lưu đại hạn)

Cung Mệnh, Cung Thân, Cung Phúc như nền tảng 1 lá số.
Đại vận là nền tảng 10 năm cuộc đời.
Tiểu vận cho biết thêm những biến cố trong một năm.
Lưu đại vận cho biết hướng của vận hạn trong 1 năm.


- Ví dụ: 
+ Đại vận cho biết sự phát tài, giàu có nhưng không phải năm nào cũng giàu, chỉ biết trong vòng 10 năm có lúc giàu.
+ Xét tiểu vận có cách sao phát tài, có thể năm đó phát tài nhưng phải xác nhận bằng cung lưu đại vận. Nếu lưu đại vận cũng báo dồi dào, thịnh vượng thì năm đó được giàu có. Nếu lưu đại vận cho biết sự hao tán thì phát tài chỉ ở mức nhỏ, có thể vừa phát vừa tán.

Cách tính lưu đại vận:
- Dương nam, âm nữ:
+ Lưu đại vận năm đầu của đại vận chính là cung gốc đại vận.
+ Lưu đại vận năm thứ 2 của đại vận: là cung xung chiếu với cung gốc đại vận.
+ Lưu đại vận năm thứ 3 của đại vận: là cung kế theo chiều nghịch của cung vừa tính.
+ Lưu đại vận năm thứ 4 của đại vận: trở về cung xung chiếu với cung gốc đại vận.
+ Lưu đại vận năm thứ 5 của đại vận: là cung kế theo chiều thuận của cung vừa tính, cứ theo chiều thuận tính tiếp lưu đại vận các năm còn lại.

- Âm nam, dương nữ:
Như trên, nhưng sau khi lấy cung xung chiếu cho lưu đại vận năm thứ 2, chuyển sang 1 cung theo chiều thuận cho năm thứ 3, rồi mới đi lại theo chiều nghịch.

• Chú ý:
Chiều thuận, nghịch như chiều quay của kim đồng hồ. Địa bàn lá số thực ra mang hình tròn nhưng để dễ biểu diễn trên giấy nên đã chuyển thành hình vuông.

4. Nguyệt vận (Nguyệt hạn)

Nguyệt vận là hạn tháng, khi tính sẽ có sự sai lệch.

Cách tính phổ biến:
Tính nguyệt vận năm nào ta bắt đầu từ cung tiểu vận năm đó, coi cung này là tháng giêng, đếm theo chiều nghịch đến tháng sinh; ngừng lại ở cung nào coi cung ấy là giờ tý, rồi đếm theo chiều thuận đến giờ sinh, ngừng lại ở cung nào, chính là cung tháng giêng, lần lượt theo chiều thuận, đếm tháng 2, tháng 3, ... mỗi cung là 1 tháng.

5. Nhật vận (hạn ngày)

Sau khi đã biết nguyệt hạn của tháng định xem ở cung nào, bắt đầu từ cung đó là mồng một, lần lượt đếm theo chiều thuận đến mồng 2, mồng 3, ... mỗi cung là 1 ngày.

6. Thời vận (hạn giờ)

Sau khi đã biết nhật hạn của ngày định xem ở cung nào, bắt đầu từ cung đó là giờ Tý, lần lượt đếm theo chiều thuận đến giờ Sửu, giờ Dần, giờ Mão,... mỗi cung là một giờ theo hàng chi.

7.  Ví dụ trên lá số
                                 
                Các khái niệm cơ bản về vận và cách xem Đại vận

Ở lá số trên, hiện tại đương số 39 tuổi, ta có:

- Đại vận nằm tại cung Điền Trạch
- Tiểu vận năm mùi nằm ở cung Thiên Di
- Lưu đại vận năm 39 tuổi tại cung Huynh Đệ.
- Nguyệt hạn tháng giêng tại cung Tử Tức, tháng hai tại cung phu,...


Phần 2: Đánh giá Đại vận

Đại vận 10 năm chủ vào 10 năm của cuộc đời. Đại vận mà khá thì cũng như có cái gốc khá. Tiểu vận có kém cũng được khá theo, nếu Tiểu vận được khá thì lại càng khá nhiều. 

Ngược lại, Đại vận mà kém thì tiểu vận có những sao tốt, cũng không thể tốt như ý muốn. Bởi thế, tính vận hạn, ta không nên ngạc nhiên rằng năm Thân lần trước sao ta khá thế, mà năm Thân lần này sao ta lại quá dở, đó là vì Tiểu vận phải tùy theo Đại vận. 


Ba yếu tố chính để xét 1 đại vận

Để xác định một cung Đại vận là tốt hay xấu, có ba yếu tố chính: 

- Hành của bộ Tam hợp cung Đại vận sinh cho hành của bộ Tam hợp cung tuổi, hay đồng hành, là tốt. Khắc là xấu. Đó là yếu tố Thiên thời. Được Thiên thời là được thế thắng, được vận tốt do số mạng dành cho mình là được khá hơn đại vận khác.

- Hành của cung Đại vận sinh hay khắc cho Mệnh của mình. Sinh là tốt, khắc là xấu. Đây là yếu tố chủ về thế thắng, vận tốt gọi là Địa lợi. Chắc các bạn thích Tử vi đã nhận ra rằng đây là yếu tố chủ chốt mà các nhà giải đoán Tử vi thường dùng để xét đoán vận tốt xấu, nhưng ít người để ý đến yếu tố Thiên thời.

- Sự thích hợp hay không thích hợp của bộ sao tại Đại vận đối với bộ sao tại cung Mệnh. Có những bộ sao mà các bạn đều biết: Sát Phá Liêm Tham, Tử Phủ Vũ Tướng, Cự Nhật, Cơ Nguyệt Đồng Lương. Yếu tố này cũng được các sách cổ nói đến, các thầy Tử vi sử dụng nhưng không có sự hệ thống hóa đầy đủ, chỉ nói sơ trong vài trường hợp (ví dụ: Mệnh có bộ sao này, đến cung đại vận gặp bộ sao này thì tốt hay xấu). Yếu tố thứ 3 này là yếu tố Nhân hòa.
Các trung tinh, hung tinh là những yếu tố thêm vào cho các yếu tố chính, chỉ rõ thêm về các trường hợp cá biệt, như vận hạn về phương diện nào. Thí dụ: 

+ Được cả ba yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa là được đại vận rực rỡ. Nếu lại được các trung tinh tốt và thoát được các hung tinh hãm, thì càng rực rỡ hơn. 

+ Bị cả 3 yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, cùng xấu, là bị đại vận xấu. Nếu lại bị những sao hung chiếu, thì đó là đại vận rất nặng, gặp nhiều thất bại và có thể đi đến cái chết. 



1. Yếu tố thiên thời

Trong tử vi, đừng bao giờ quên yếu tố các bộ tam hợp. Xin nhắc lại hành bộ tam hợp trên lá số:

- Thìn, Thân, Tý: THỦY
- Hợi, Mão, Mùi: MỘC
- Dần, Ngọ, Tuất: HỎA
- Tị, Sửu, Dậu: KIM

Nguyên tắc: Trước hết, ghi nhận hành của tam hợp cung tuổi. Như người tuổi Tý thuộc tam hợp Thân, Tý, Thìn - hành Thủy.

Rồi muốn đoán cho mỗi đại vận cứ xét hành của tam hợp cung Đại vận đó. So sánh hai hành (Hành của tam hợp cung tuổi và hành của tam hợp cung Đại vận) thấy sự sinh khắc chế hóa thế nào thì biết Thiên thời của Đại vận là xấu hay tốt.

- Hành tam hợp Đại vận sinh cho hành tam hợp tuổi: Tốt, được Thiên thời.

- Hành tam hợp Đại vận đồng hành với tam hợp tuổi (đây là trường hợp đại vận vào cung có Thái tuế, Quan phù, Bạch hổ): Tốt. Thiên thời đến cho đương số.

- Hành tam hợp Đại vận khắc tam hợp tuổi (trường hợp bị khắc nhập): Xấu nhất, thời gian, hoàn cảnh chung đánh vào đương số, bị nhiều thất bại và thua thiệt.

-Hành tam hợp Đại vận bị hành tam hợp tuổi khắc (trường hợp khắc xuất): bản thân đương số khắc thời vận, gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu cố gắng và chịu chật vật nhiều, có thể thắng được.

-Hành tam hợp Đại vận được hành tam hợp tuổi sinh (trường hợp sinh xuất): tuy sinh, nhưng sinh xuất, cho nên lao đao, như người mất máu huyết, mất sức lực tiền bạc.

Các trường hợp:

a. Tuổi Thân, Tý, Thìn - Tam hợp Thủy

Đại vận đến cung Thân, Tý, Thìn: được Thiên thời, tốt nhất.
Đại vận đến cung Hợi, Mão, Mùi (Mộc): Thủy sinh Mộc, vậy bị sinh xuất.
Đại vận đến cung Dần, Ngọ, Tuất (Hỏa): Thủy khắc Hỏa, khắc xuất nên phải chật vật mới thắng
Đại vận đến Tị, Dậu, Sửu (Kim): Sinh nhập, Thiên thời.

b. Tuổi Hợi, Mão, Mùi - Tam hợp Mộc
Đại vận đến cung Hợi, Mão, Mùi, tức đến tam hợp Thái tuế, tốt nhất.
Đại vận đến cung Thân, Tý, Thìn (Thủy): Sinh nhập. Tốt, có Thiên thời.
Đại vận đến cung Dần, Ngọ, Tuất (Hỏa): Sinh xuất, lao đao.
Đại vận đến cung Tị, Dậu, Sửu (Kim): Khắc nhập, xấu.

c. Tuổi Dần, Ngọ, Tuất (Hỏa)
Đại vận đến cung Dần, Ngọ, Tuất (tam hợp Thái tuế): Tốt.
Đại vận đến cung Thân, Tý, Thìn (Thủy): Xấu
Đại vận đến cung Hợi, Mão, Mùi (Mộc): Sinh nhập. Tốt.
Đại vận đến cung Tị, Dậu, Sửu (Kim): Khắc xuất, phải chật vật.

d. Tuổi Tị, Dậu, Sửu (Kim)
Đại vận đến cung Tị, Dậu, Sửu (tam hợp Thái tuế): tốt.
Đại vận đến cung Thân, Tý, Thìn (Thủy): Sinh xuất
Đại vận đến cung Hợi, Mão, Mùi (Mộc): Khắc xuất
Đại vận đến Dần, Ngọ, Tuất (Hỏa): Khắc nhập



2. Yếu tố địa lợi

Xét hành bản mệnh (tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ) rồi xem Đại vận đến cung nào, hành của cung này sinh khắc cho Mệnh thế nào. Tùy theo các thế sinh khắc mà ta đã biết: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ; Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim; ta biết được cung Đại vận sinh khắc chế hóa như thế nào với bản mệnh.

Nhắc lại hành của 12 địa chi tương ứng các cung trên địa bàn:
Tý, Hợi: Thuỷ
Dần, Mão: Mộc
Tị, Ngọ: Hoả
Thân, Dậu: Kim
Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: Thổ

Hành của cung Đại vận sinh cho hành mệnh là sinh nhập, tốt nhất.
Hành của cung Đại vận đồng hành với Mệnh là tốt.
Hành của Mệnh sinh cho hành cung Đại vận, là sinh xuất, lao đao.
Hành của Mệnh khắc hành cung Đại vận: Khắc xuất, bị chật vật nhưng có thể thắng.
Hành của cung Đại vận khắc hành của mệnh: Khắc nhập, xấu, thất bại.

Nếu hành của mệnh bị hành của cung đại vận khắc, xét xem yếu tố âm Dương của cung giống âm Dương của Mệnh thì cũng đỡ.



3. Yếu tố nhân hoà

Yếu tố thứ ba là bộ sao ta gặp ở Đại vận hợp hay không hợp với bộ sao ta có tại cung Mệnh. Đây là yếu tố mà ta thường thấy ghi trong sách, nhưng các trường hợp này không được giải thích và hệ thống hóa. Tử Vi gia Thiên Lương đã hệ thống hóa như sau:

Như trong sách “Tử vi nghiệm lý”, ông phân các bộ chính tinh ra âm và Dương; Dương là thực hành, âm là lý thuyết. Các bộ Tử, Phủ, Vũ, Tướng; Sát, Phá, Liêm, Tham thuộc về Dương và có tính chất thực hành. Các bộ Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương ; Cự, Nhật thuộc về âm và có tính chất lý thuyết. Hai bên âm Dương phân ra như vậy là hình ảnh của Lưỡng nghi.

Phân biệt ra tứ tượng, ta có 4 bộ với tính chất như sau:
Sát, Phá, Liêm, Tham: 100% thực hành.
Tử, Phủ, Vũ, Tướng: 60% thực hành, 40% lý thuyết
Cự, Nhật: 60% lý thuyết, 40% thực hành.
Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương: 100% lý thuyết.

Luận ra các thế của đại vận

Sự khác biệt hay giống nhau là do chỗ thế âm gặp thế dương thì nghịch, thường kém tốt; hoặc thế lý thuyết mà gặp thế thực hành thì có phát thêm, nhưng gặp họa lệch lạc, kém tốt. Nếu lý thuyết 100% mà gặp thực hành 100% thì phát mạnh nhưng gặp họa nhiều hơn là những thế tuy khác biệt âm Dương mà thế lý thuyết, thực hành không khác nhau mấy (như có thế 60% lý thuyết, 40% thực hành mà gặp thế 40% thực hành, 60% lý thuyết thì không khác nhau mấy). Cũng vậy, thế 100% thực hành mà gặp thế 60% thực hành, 40% lý thuyết, cũng không khác xa nhau mấy.

Từ đó, ta có:

- Mệnh Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương (Yếu, âm, 100% lý thuyết) gặp đại vận Sát, Phá, Liêm, Tham (Mạnh, dương, 100% thực hành): Phát mạnh thì lại gặp nhiều khó khăn, có thể có những cái rủi lớn.

-Mệnh Sát, Phá, Liêm, Tham gặp đại vận Sát, Phá, Tham - giống nhau, tốt.

- Mệnh Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương đến đại vận Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương: Tốt.

- Mệnh Sát Phá Tham gặp đại vận Cơ Nguyệt Đồng Lương: kém, nhưng không hiểm nguy, kém hơn so với các đại vận Sát Phá Tham (tóm lại là kém đi).

- Mệnh Sát, Phá, Tham gặp đại vận Tử, Phủ, Vũ, Tướng, cùng dương, không có gì khó khăn nặng, nhưng cũng kém xuống một chút vì sự khác biệt về thế thực hành, lý thuyết (Sát, Phá, Tham hoạt động 100%, gặp Tử, Phủ, Vũ, Tướng hoạt động giảm đi, thêm lý thuyết thế vào).

- Mệnh Tử, Phủ, Vũ, Tướng gặp Tử, Phủ, Vũ, Tướng: tốt.

- Mệnh Tử, Phủ, Vũ, Tướng gặp đại vận Sát, Phá,Tham cũng giảm bớt sự tốt đẹp.

- Tử, Phủ, Vũ, Tướng với Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương: cũng luận như giữa Sát, Phá,Tham và Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương; nhưng sự giảm kém không quá mạnh, vì Tử Phủ Vũ Tướng còn có 40% lý thuyết so với Cơ Nguyệt Đồng Lương 100% lý thuyết.

- Mệnh Tử, Phủ, Vũ, Tướng gặp Cự, Nhật: khác về âm dương nhưng sự chênh lệch trong tỷ lệ lý thuyết, thực hành rất ít, nên sự giảm kém cũng ít. Mệnh Cự, Nhật gặp Tử, Phủ, Vũ, Tướng cũng luận theo như thế.


4. Vài yếu tố khác

Luận ba yếu tố trên, đủ thấy được đại cương đại vận tốt xấu ra sao. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác.

- Các trung tinh lớn, các hung tinh lớn

- Tuần, Triệt làm giảm kém các sao tốt nhưng cũng chế bớt cái xấu của những sao hãm. Tỷ lệ ảnh hưởng của Tuần, Triệt trong giải đoán đại vận giống như tỷ lệ ảnh hưởng trên các cung mà nó án ngữ, theo nguyên tắc ước lượng như sau:

+ Người Dương (Dương Nam, Dương Nữ) thì cung Dương bị ảnh hưởng hơn cung Âm, cụ thể cung Dương chịu 70%, cung Âm chịu 30% cường độ.
+ Người Âm (Âm Nam, Âm Nữ) thì cung Âm bị ảnh hưởng nhiều hơn cung Dương, cụ thể cung Âm chịu 80%, cung Dương chịu 20% cường độ.
Khi bị ảnh hưởng mạnh thì ta thường nói bị đương đầu, bị ảnh hưởng yếu thì ta nói bị chặn đuôi.

Cung dương: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất.
Cung âm: Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi.

- Nếu ở cung mệnh có Tuần thì đến đại vận có Triệt, mệnh được gỡ ra và khá lên. Cũng vậy, nếu ở mệnh có Triệt thì đến đại vận có Tuần, vận mệnh được phá thế triệt và khá lên.

- Chú ý: Thứ tự quan trọng của 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hoà.
+ Thiên thời (Đại cương tốt xấu 60%)
+ Địa lợi (Chi tiết sự việc 30%)
+ Nhân hoà (Thêm tốt xấu, đỡ cho trường hợp 2 yếu tố trên bị hỏng)
Một Đại vận được cả 3 yếu tố thì tốt, 2 yếu tố thì khá, 1 yếu tố thì vớt vát được, mất cả 3 thì rất khó.

Email: tuvixuytuyet@gmail.com

Nội Dung Thuộc Về: Tử Vi Xuy Tuyết
Facebook: Xem Tử Vi
Điện Thoại: 0988605815
Email: tuvixuytuyet@gmail.com
Có Thể Bạn Quan Tâm:
Nhận luận giải tử vi chuyên sâu, tư vấn phong thủy, vui lòng liên hệ: Email: tuvixuytuyet@gmail.com Facebook: Xem Tử Vi